Ấn tượng tranh sơn mài trong triển lãm “Phẳng” EN

Mỗi dịp đón Tết cổ truyền dân tộc, các triển lãm mỹ thuật với chủ đề con giáp của năm luôn thu hút sự quan tâm của đông đảo công chúng cũng như cộng đồng nghệ sĩ. Tại Hà Nội, các triển lãm chào Xuân Ất Tỵ 2025 đã “trình làng” hàng trăm tác phẩm hình tượng rắn phong phú và giàu tính sáng tạo của nhiều nghệ sĩ, nghệ nhân.

Các nghệ sĩ, chuyên gia tham gia triển lãm “Rồng rắn lên mây”.

Đón năm Ất Tỵ, Tại Trung tâm Văn hóa nghệ thuật 22 Hàng Buồm (quận Hoàn Kiếm), Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội phối hợp Tạp chí Xưa và Nay, Hội quán Di sản và các nghệ sĩ, nhà thiết kế, nhà nghiên cứu tổ chức triển lãm “Rồng rắn lên mây”. Sự kiện thuộc dự án nghệ thuật “Con giáp của tôi” diễn ra hằng năm và đã bước sang năm thứ 7, nhằm tôn vinh các linh vật biểu tượng trong dịp Tết cổ truyền của người Việt.

Triển lãm năm nay tập trung vào hình tượng rắn – linh vật của năm Ất Tỵ 2025, được biểu hiện qua ngôn ngữ nghệ thuật đa dạng như hội họa, điêu khắc, mỹ thuật ứng dụng, nghệ thuật sắp đặt và cả công nghệ thực tế ảo. Các tác phẩm khắc họa hình ảnh loài rắn khá toàn diện, từ biểu tượng trong đời sống hằng ngày, nét đẹp nghệ thuật dân gian, đến vai trò thiêng liêng trong tín ngưỡng thờ Mẫu.

Điểm nhấn của triển lãm là sự xuất hiện của các tác phẩm lần đầu được công bố, kết hợp chất liệu truyền thống và hiện đại, như giấy dó, gốm sứ, gỗ, kim loại, in 3D…

Tác giả tham dự triển lãm không chỉ có các họa sĩ, nhà điêu khắc mà còn có cả nghệ nhân làng nghề, kỹ sư, nhà thiết kế. Hình tượng rắn được đưa vào tranh, tượng và nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ như lọ hoa, bình rượu… tạo nên một không gian sáng tạo nơi truyền thống hòa quyện với hiện đại. Đây cũng là lời khẳng định mạnh mẽ về vai trò của nghệ thuật và văn hóa trong việc thúc đẩy ngành công nghiệp sáng tạo của Việt Nam trong kỷ nguyên mới.

Theo hoạ sĩ Trịnh Lữ, đề tài con giáp dù không mới nhưng luôn là nguồn cảm hứng bất tận bởi đó là một phần văn hóa đặc trưng của người Việt. Con giáp không chỉ mang ý nghĩa tâm linh mà còn phả ánh những câu chuyện lịch sử, gửi gắm cảm xúc và hy vọng của người Việt trong năm mới.

Một triển lãm đặc sắc khác cũng diễn ra dịp này là “Vẽ con rắn”, do Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám phối hợp thương hiệu TiredCity và diễn đàn trực tuyến Vietnam Local Artist Group thực hiện tại Hồ Văn, thuộc Văn Miếu-Quốc Tử Giám.

77 tác phẩm trưng bày được lựa chọn từ hơn 500 tác phẩm tham dự cuộc thi vẽ tranh minh họa “Vẽ con rắn” và chiến dịch gây quỹ hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn tiếp tục được đến trường. Đây cũng là một dự án thường niên do các họa sĩ trẻ khởi xướng và ngày càng lan tỏa các giá trị nghệ thuật cũng như nhân văn.

Trong không gian trưng bày cổ kính và đậm tính di sản của Thủ đô, triển lãm mang đến những sắc màu và sắc thái cảm xúc phong phú, thú vị qua hình tượng rắn – con giáp thứ 6 trong 12 con giáp của văn hóa Việt. 75 họa sĩ tham gia triển lãm phần lớn là người trẻ sinh sau năm 2000, thậm chí có tác giả vẫn còn đang ngồi trên ghế nhà trường, một số người sống ở nước ngoài.

Chất liệu văn hóa Việt Nam được nghiên cứu kỹ và sử dụng khéo léo, khiến triển lãm thực sự là bữa tiệc thị giác mới mẻ, hấp dẫn với khách tham quan. Hình tượng con rắn thường tượng trưng cho sự khôn ngoan, uyển chuyển và khả năng tái sinh mạnh mẽ, xuất hiện trong văn hóa dân gian của tất cả các vùng miền…

Nhiều tác giả đã khai thác khía cạnh này để tạo nên bức tranh rắn qua lăng kính riêng. Chẳng hạn như tác phẩm “Bồng rắn” của tác giả Hải Long lấy cảm hứng từ tranh dân gian Đông Hồ (Bắc Ninh); tác phẩm “Tục xăm mình” của Nguyễn Hoàng Phúc tái hiện một phong tục của người Việt cổ trong quá trình chinh phục thiên nhiên, mở mang bờ cõi; hay tác phẩm “Song Tỵ Chầu Văn” của tác giả Phạm Phú Hùng, mang đậm màu sắc tín ngưỡng khi thể hiện đôi rắn linh vật của Mẫu Thượng Ngàn với sức mạnh sinh sôi, che chở của thần linh…

DANHMUCTINTUC